Thông tin tuyển sinh

PHÂN TÍCH, XỬ LÝ DỮ LIỆU TRONG THỜI ĐẠI CÔNG NGHỆ SỐ

Ngày đăng: 30/03/2021

Phân tích, xử lý dữ liệu là một chuyên ngành trong Khoa học dữ liệu liên quan đến việc quản trị dữ liệu để tìm ra các hiểu biết, các tri thức hành động, các quyết định dẫn dắt hành động. Việc phân tích và sử dụng dữ liệu lại dựa vào ba nguồn tri thức: toán học (thống kê toán học và tối ưu hóa), các thuật toán học máy và tri thức của lĩnh vực ứng dụng cụ thể.

       Theo Báo cáo thị trường nhân lực ngành công nghệ thông tin (CNTT) năm 2019 của Tập đoàn nhân sự Navigos, mức lương trung bình của người làm phân tích dữ liệu liên quan đến Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence - AI) ở Việt Nam là 1.844 USD/tháng (tương đương 43 triệu đồng). Theo thời giá, mức lương thực hiện nay có thể cao hơn con số đó.

       Tại Việt Nam, nhiều tổ chức lớn đã và đang nghiên cứu và ứng dụng khoa học dữ liệu một cách chuyên sâu và bài bản như Viện VinAI (Tập đoàn VinGroup), Viettel, FPT, VNG,… Vì vậy, chuyên gia về phân tích, xử lý dữ liệu sẽ là nghề tiềm năng trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Học chuyên ngành Phân tích, xử lý dữ liệu có gì thú vị?

       Phân tích, xử lý dữ liệu là chuyên ngành rất mới ở Việt Nam và cũng đang là xu hướng nóng trên thế giới. Nhân sự về lĩnh vực này hiện nay được nhiều công ty săn lùng. Điều này có thể hiểu được vì với sự phổ dụng của máy tính, các công ty, tổ chức đã tạo ra lượng dữ liệu khổng lồ, đây là một nguồn tài nguyên quan trọng, chứa những thông tin quý giá mà nếu khai thác được nó, công ty sẽ đưa ra được hướng đi đúng. Song phân tích, xử lý được nguồn dữ liệu này để lấy được những thông tin bổ ích đòi hỏi phải có kiến thức không chỉ về Tin học mà cần phải có kiến thức Toán học vững vàng. Đây là một trong những ngành nghề mà bạn có thể kết hợp giữa Toán học (thống kê toán học và tối ưu)và khoa học máy tính (lập trình).

Chuyên ngành Phân tích, xử lý dữ liệu đào tạo những gì?

       Sinh viên sẽ được trang bị khối kiến thức nền tảng vững chắc về xử lý, phân tích và quản lý dữ liệu; kiến thức chuyên ngành sâu và rộng về các mô hình học máy, học sâu, các thuật toán phân tích và xử lý dữ liệu lớn, các kiến thức về trí tuệ nhân tạo và ứng dụng của nó trong đời sống và các lĩnh vực khác. Song song với nó, các bạn còn được rèn luyện những kỹ năng mềm cần thiết để phục vụ cho công việc sau này.

        Phân tích, xử lý dữ liệu được định hướng làm việc trong nhiều lĩnh vực như kinh tế, tài chính ngân hàng, kiến trúc, môi trường, công nghệ thông tin…. Sau 4 năm học, bạn sẽ nắm vững các mảng kiến thức và kỹ năng sau:

  • Kiến thức chuyên sâu về kỹ thuật khai phá dữ liệu, các mô hình thống kê cao cấp trong Khoa học dữ liệu, các mô hình học máy và lập trình.
  • Nghiệp vụ phân tích và xử lý dữ liệu, lập trình.
  • Kỹ năng cá nhân: thích ứng môi trường sống, làm việc nhóm, giao tiếp và ứng xử trong môi trường đa văn hóa.
  • Kỹ năng chuyên môn: Vận dụng kỹ năng lập luận, phân tích, dự báo, thống kê cao cấp và giải quyết vấn đề liên quan đến chuyên ngành Phân tích, xử lý dữ liệu. Sử dụng thành thạo các công cụ công nghệ trong ngành khoa học dữ liệu như ngôn ngữ lập trình R,  Python và công cụ phụ trợ như GitHub để thực hiện các công việc liên quan đến xử lý, phân tích và quản lý dữ liệu.

Cơ hội việc làm với sinh viên học chuyên ngành Phân tích, xử lý dữ liệu?

       Nhu cầu của xã hội về nguồn nhân lực trong lĩnh vực Phân tích, xử lý dữ liệu lớn và có xu hướng tăng mạnh trong tương lai, do đó người học ngành này có nhiều lựa chọn nghề nghiệp cho mình.

       Môi trường làm việc năng động và sáng tạo nên người tốt nghiệp ngành Phân tích, xử lý dữ liệu có cơ hội học tập và làm việc ở các công ty, doanh nghiệp, các tập đoàn lớn và các nước tiên tiến, đây là mơ ước của những bạn trẻ yêu thích sự tự do và năng động.

Một số vị trí công việc sau khi tốt nghiệp:

- Chuyên gia phân tích dữ liệu trong kinh tế, tài chính, môi trường và kiến trúc

- Kỹ sư về dữ liệu: Data Architect, Data science Manager

- Kỹ sư học máy (Machine learning Engineer)

- Chuyên gia về Phân tích, xử lý dữ liệu

- Giảng dạy về Khoa học dữ liệu.

Nhu cầu thị trường, xu hướng việc làm?

       Nhu cầu thị trường về ngành Phân tích, xử lý dữ liệu nói chung và AI nói riêng đang ở mức cao. Nhân lực trong ngành AI còn nhận các chế độ ưu đãi khác như thưởng lương tháng 13, thưởng tết, thưởng theo các dự án. Mặc dù trả mức lương khá cao nhưng các doanh nghiệp vô cùng khó khăn trong tuyển dụng.

       Theo Google Brain, nhu cầu nhân lực phục vụ AI là 1 triệu người, nhưng chỉ có khoảng 10.000 nhân lực chất lượng cao đáp ứng. Tại Việt Nam, dự báo trong những năm sẽ thiếu 70.000 – 90.000 nhân sự trên tổng nhu cầu 350.000 nhân lực toàn thị trường. Vì vậy việc làm sau khi tốt nghiệp ngành học Phân tích, xử lý dữ liệu rất rộng mở.

       Ngoài ra, sinh viên chuyên ngành Phân tích, xử lý dữ liệu còn có cơ hội học lên cao hoặc tìm học bổng du học khá dễ dàng. Hàng năm, các trường thường tiếp nhận nhiều suất học bổng trợ cấp, du học và trao đổi văn hóa với nước ngoài đối với người có chuyên môn về Phân tích, xử lý dữ liệu. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có cơ hội nâng cao trình độ chuyên môn và nhận học bổng thạc sĩ, tiến sĩ tại các quốc gia lớn như Mỹ, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Singapore, Thái Lan,…

Thành viên - đối tác

  • hinh anh
  • hinh anh
  • hinh anh
  • hinh anh
  • hinh anh